icon icon icon
Nhà 26 ngõ 42 Vũ Ngọc Phan, Láng Hạ, Đống Đa Tìm kiếm

Chị em Thúy Kiều - Nguyễn Du - Tác phẩm ôn thi vào lớp 10 môn Ngữ Văn

Người đăng: SPlus Academy - 06/09/2023

20 tác phẩm ôn thi vào lớp 10 môn Ngữ Văn

  1. Chuyện Người con gái Nam Xương – Nguyễn Dữ
  2. Chị em Thúy Kiều - Nguyễn Du
  3. Cảnh Ngày xuân - Nguyễn Du
  4. Kiều ở Lầu Ngưng Bích - Nguyễn Du
  5. Đồng Chí - Chính Hữu
  6. Bài thơ về Tiểu đội xe không kính - Phạm Tiến Duật
  7. Đoàn thuyền đánh cá - Huy Cận
  8. Mã Giám Sinh mua Kiều (Trích Truyện Kiều - Nguyễn Du)
  9. Bếp lửa - Bằng Việt
  10. Ánh Trăng - Nguyễn Duy
  11. Làng - Kim Lân
  12. Lặng lẽ Sa Pa - Nguyễn Thành Long
  13. Chiếc lược ngà - Nguyễn Quang Sáng
  14. Mùa xuân nho nhỏ - Thanh Hải
  15. Viếng lăng Bác - Viễn Phương
  16. Sang thu - Hữu Thỉnh
  17. Nói với con - Y Phương
  18. Bên quê - Nguyễn Minh Châu
  19. Những ngôi sao xa xôi - Lê Minh Khuê
  20. Hoàng Lê Nhất Thống Chí - Ngô Gia Văn Phái

Chị em Thúy Kiều - Nguyễn Du

I. Tìm hiểu chung:

1. Vị trí đoạn trích: Đoạn trích nằm ở phần mở đầu tác phẩm, giới thiệu gia cảnh của Kiều. Khi giới thiệu những người trong gia đình Kiều, tác giả tập trung tả tài sắc Thúy Vân và Thúy Kiều.

2. Kết cấu (bố cục) đoạn trích:

Kết cấu của đoạn trích và nhận xét kết cấu ấy có liên quan như thế nào với trình tự miêu tả nhân vật của tác giả.

=> Trả lời:

* Đoạn "Chị em Thúy Kiều" có kết cấu:

- Bốn câu đầu: giới thiệu khái quát hai chị em Thúy Kiều.

- Bốn câu tiếp: gợi tả vẻ đẹp Thúy Vân.

- Mười hai câu tiếp: gợi tả vẻ đẹp Thúy Kiều

- Bốn câu cuối: khái quát chung về cuộc sống hai chị em Thúy Kiều.

* Kết cấu của đoạn trích cho thấy trình tự miêu tả nhân vật của tác giả:

+ Bốn câu đầu khái quát được vẻ đẹp chung (mai cốt cách, tuyết tinh thần, mười phân vẹn mười) và vẻ đẹp riêng (mỗi người một vẻ) của từng người. Sau đó, tác giả mới đi sâu gợi tả vẻ đẹp của từng nhân vật.

+ Bốn tiệp khắc họa rõ hơn vẻ đẹp của Thúy Vân, từ khuôn mặt, đôi mày, mái tóc, làn da, nụ cười, giọng nói, đều nhằm thể hiện vẻ đẹp đầy đặn, phúc hậu mà quý phái của người thiếu nữ.

* Bức chân dung Thúy Vân được gợi tả trước, có tác dụng làm nền để nổi bật lên vẻ đẹp của bức chân dung Thúy Kiều trong mười hai câu thơ tiếp theo.

+ Mười hai câu thơ tiếp khắc họa vẻ đẹp Thúy Kiều với cả sắc, tài, tình. Kiều là một tuyệt thế giai nhân "nghiêng nước nghiêng thành". Kiều "sắc sảo" về trí tuệ và "mặn mà" về tâm hồn. Vẻ đẹp ấy thể hiện tập trung ở đôi mắt: "Làn thu thủy nét xuân sơn". Tài năng của Kiều đạt tới mức lí tưởng, gồm cả cầm (đàn), kì (cờ), thi (thơ), họa (vẽ).

+ Bốn câu cuối khái quát cuộc sống phong lưu, nền nếp, đức hạnh, trẻ trung của hai chị em Thúy Kiều.

* Một kết cấu như trên vừa chặt chẽ, hợp lí, vừa góp phần làm nổi bật vẻ đẹp chung và nhất là vẻ đẹp riêng của hai chị em Thúy Kiều.

II. Đọc – hiểu văn bản:

1. Chân dung Thúy Vân, Thúy Kiều:

a. Giới thiệu khái quát nhân vật:

- Trước hết, Nguyễn Du giới thiệu chung về hai chị em trong gia đình, lời giới thiệu cổ điển, trang trọng rằng họ là “tố nga”, đẹp và trong sáng:

Đầu lòng hai ả tố nga
Thúy Kiều là chị em là Thúy Vân.

- Tiếp đến, tác giả miêu tả chung vẻ đẹp của hai chị em trong một nhận xét mang tính chất lí tưởng hóa, tuyệt đối hóa (đẹp một cách hoàn thiện):

Mai cốt cách tuyết tinh thần
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười.

+ Với bút pháp ước lệ tượng trưng, tác giả đã gợi tả vẻ đẹp duyên dáng, thanh tao, trong trắng của người thiếu nữ ở hai chị em Thúy Kiều: “Mai cốt cách, tuyết tinh thần”. Vóc dáng mảnh mai, tao nhã như mai; tâm hồn trắng trong như tuyết. => Đó là vẻ đẹp hài hòa đến độ hoàn mĩ cả hình thức lẫn tâm hồn, cả dung nhan và đức hạnh.

+ Hai chị em đều tuyệt đẹp, không tì vết “mười phân vẹn mười”, song mỗi người lại mang nét đẹp riêng khác nhau “mỗi người một vẻ”.

-> Bốn câu thơ đầu là bức tranh nền để từ đó tác giả dẫn người đọc lần lượt chiêm ngưỡng sắc đẹp của từng người.

b. Gợi tả vẻ đẹp của Thúy Vân:

- Câu thơ mở đầu: “Vân xem trang trọng khác vời” đã giới thiệu khái quát vẻ đẹp của Thúy Vân: một vẻ đẹp cao sang, quí phái.

- Bút pháp ước lệ tượng trưng, phép ẩn dụ, nhân hoá: “khuôn trăng”, “nét ngài”, “hoa cười ngọc thốt, “Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da”

-> Vẻ đẹp của Thúy Vân là vẻ đẹp đầy đặn, phúc hậu; tính cách thì đoan trang, thùy mị: khuôn mặt đầy đặn, tươi sáng như trăng đêm rằm; lông mày sắc nét như mày ngài; miệng cười tươi thắm như hoa; giọng nói trong trẻo thốt ra từ hàm răng ngọc ngà là những lời đoan trang, thùy mị. Mái tóc của nàng đen mượt hơn mây, da trắng mịn màng hơn tuyết.

-> Vân đẹp hơn những gì mỹ lệ của thiên nhiên – một vẻ đẹp tạo sự hòa hợp, êm đềm với xung quanh. Cũng là hương sắc của tạo hóa, báu vật của nhân gian. -> Dự báo về một cuộc đời bình lặng, suôn sẻ.

c. Gợi tả vẻ đẹp của Thúy Kiều:

* Sắc:

- Nguyễn Du đã miêu tả Thúy Vân trước để làm nổi bật Thúy Kiều theo thủ pháp nghệ thuật đòn bẩy. Tả kĩ, tả đẹp để Vân trở thành tuyệt thế giai nhân, để rồi khẳng định Kiều còn hơn hẳn: “Kiều càng sắc sảo mặn mà”. Từ “càng”đứng trước hai từ láy liên tiếp “sắc sảo”, “mặn mà” làm nổi bật vẻ đẹp của Kiều: sắc sảo về trí tuệ, mặn mà về tâm hồn.

- Bút pháp ước lệ tượng trưng, phép ẩn dụ: “Làn thu thủy nét xuân sơn” gợi đôi mắt trong sáng, long lanh như làn nước mùa thu; hàng lông mày thanh tú như dáng núi mùa xuân. Vẻ đẹp của Kiều hội tụ ở đôi mắt – cửa sổ tâm hồn thể hiện phần tinh anh của tâm hồn và trí tuệ.

- Vẻ đẹp của Kiều khiến “hoa ghen”, “liễu hờn”, nước phải nghiêng, thành phải đổ. Thi nhân không tả trực tiếp vẻ đẹp mà tả sự đố kị, ghen ghét với vẻ đẹp ấy; tả sự ngưỡng mộ, mê say trước vẻ đẹp ấy. “Nghiêng nước nghiêng thành” là cách nói sáng tạo điển cố để cực tả giai nhân. Rõ ràng, cái đẹp của Kiều có chiều sâu, có sức quyến rũ làm mê mẩn lòng người. Vẻ đẹp ấy như tiềm ẩn phẩm chất bên trong cao quý – tài và tình rất đặc biệt của nàng.

* Tài:

- Trí tuệ thông minh tuyệt đối

- Kiều là người con gái đa tài mà tài nào cũng đạt đến độ hoàn thiện, xuất chúng: đủ cả cầm, kì, thi, họa.

- Đặc biệt, tài đàn của nàng vượt trội hơn cả. Nàng đã soạn riêng một khúc bạc mệnh mà ai nghe cũng não lòng. Khúc nhạc thể hiện tâm hồn,tài năng, trái tim đa sầu đa cảm.

=> Chân dung Thúy Kiều mang tính cách số phận. Ngòi bút Nguyễn Du nhuốm màu định mệnh. Sắc đẹp và tài năng của Kiều nổi trội quá mà thiên nhiên, tạo hóa thì:

Lạ gì bỉ sắc tư phong

Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen

-> Cuộc đời của nàng sẽ gặp nhiều éo le, đau khổ.

d. Nhận xét chung về cuộc sống hai chị em Thúy Kiều.

- Thúy Vân, Thúy Kiều dưới ngòi bút của Nguyễn Du không chỉ nhan sắc tuyệt vời mà còn đức hạnh khuôn phép. Dù đã đến tuổi “cài trâm, búi tóc” nhưng hai chị em vẫn giữ gìn nề nếp, gia phong:

Êm đềm trướng rủ màn che,

Tường đông ong bướm đi về mặc ai.

2. Cảm hứng nhân văn của Nguyễn Du qua đoạn trích:

- Ngợi ca vẻ đẹp của chị em Thúy Kiều, Nguyễn Du đã trân trọng, đề cao giá trị, phẩm giá của con người như nhan sắc, tài hoa, phẩm hạnh;qua đó, dự cảm về kiếp người tài hoa bạc mệnh. Sự ngưỡng mộ, ngợi ca người phụ nữ trong xã hội “trọng nam khinh nữ” chính là biểu hiện sâu sắc của cảm hứng nhân văn trong ngòi bút Nguyễn Du.

III. Tổng kết: Ghi nhớ, sách giáo khoa, trang 83.

Nguồn bài: download.vn 

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN: